Những dụng cụ không nên dùng khi sắc thuốc

Khi sắc thuốc cổ truyền, cần chọn một loại dụng cụ thích hợp mới có hiệu quả cao trong điều trị.

Như ta đã biết, thuốc cổ truyền có thể sử dụng dưới nhiều dạng khác nhau. Để trị bệnh mạn tính thường dùng các dạng thuốc hoàn, nang mềm, nang cứng… Để trị bệnh mang tính cấp tính hoặc một bệnh cụ thể nào đó, thường dùng dạng thuốc thang, đặc biệt loại thuốc sắc. Việc sắc thuốc cổ truyền đa phần tiến hành ở các gia đình người bệnh. Do vậy nhiều người cũng băn khoăn, không biết nên sử dụng loại dụng cụ  nào sắc thuốc sẽ cho hiệu quả tốt hơn. Dưới đây xin giới thiệu các loại dụng cụ nên dùng và nên tránh khi sắc thuốc.

Nên dùng dụng cụ bằng sành sứ để sắc thuốc.

Những loại nên dùng để sắc thuốc y học cổ truyền:

– Dụng cụ có chất liệu sành: loại dụng cụ  này là rất tốt, vì bản thân chất liệu sành là từ đất đã được nung ở nhiệt độ cao. Do đó đã loại  được các nguyên tố vi lượng trong đất : Fe, Cu, Al… là những thành phần có khả năng tham gia vào các phản ứng hóa học với các hợp chất hữu cơ có trong các vị thuốc  cổ truyền, làm giảm đi tác dụng của thuốc. Nhưng chúng có nhược điểm là thời gian đun để đạt tới độ sôi rất lâu, dễ nứt vỡ. Để tránh được các nhược điểm nói trên, hiện nay trên thị trường xuất hiện các loại ấm sành, cung cấp nhiệt từ điện năng, có bọc lớp bảo vệ bằng inox. Có thể điều chỉnh nhiệt độ và thời gian sắc thuốc.

– Loại dụng cụ có chất liệu là inox, vừa đảm bảo được hoạt chất trong thang thuốc không bị oxy hóa, vừa tránh được các nhược điểm dễ bị  nứt vỡ, đun lại nhanh sôi, tiết kiệm được nhiên liệu. Có thể dùng nồi, ấm inox; hoặc các dụng cụ có các bộ phận cung cấp nhiệt từ điện năng, có thể điều chỉnh nhiệt độ để sắc thuốc,  sẽ cho hiệu quả cao.

– Loại dụng cụ có chất liệu là thủy tinh chịu nhiệt, cũng thỏa mãn được các yêu cầu  tốt như dụng cụ inox, nói trên.

Những loại không nên dùng để sắc thuốc

– Loại  dụng cụ có chất liệu nhôm, có thể sử dụng được cho việc sắc thuốc, đun nhanh sôi, không bị nứt vỡ. Tuy nhiên với những thang thuốc  có các vị thuốc trong thành phần chứa các hợp chất flavonoid như hoa hòe, trắc bách diệp, trần bì… thì không nên dùng nồi nhôm.

– Những dụng cụ có chất liệu đồng, gang, không được dùng  để sắc thuốc cổ truyền. Vì dụng cụ bằng đồng sẽ ảnh hưởng đến những vị thuốc chứa các hợp chất acid hữu cơ, hoặc các thành phần dễ bị ôxy hóa… hoặc với dụng cụ bằng gang sẽ ảnh hưởng đến những vị thuốc chứa các hợp chất tanin, polyphenol, mà đa số các dược liệu đều có.

Tóm lại, khi sắc thuốc cổ truyền, cần chọn một loại dụng cụ thích hợp mới có hiệu quả cao trong điều trị.

GS.TS. Phạm Xuân Sinh