Duy trì chế độ ăn uống khoa học, chú trọng thực phẩm chứa chất xơ, uống nhiều nước, dùng thuốc điều trị trĩ sẽ giúp người bệnh đẩy lùi trĩ cấp.
Trĩ gây nhiều phiền toái, khổ sở cho người bệnh. Nếu để tình trạng bệnh kéo dài, không được chữa trị hiệu quả, bệnh còn gây ức chế tinh thần hoặc dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm khác như nhiễm trùng, hoại tử, mất máu cấp. Do đó, điều trị trĩ thế nào luôn là mối quan tâm hàng đầu của người bệnh.
Tại Việt Nam, hiện có 2 phương pháp nội khoa, ngoại khoa được áp dụng để điều trị bệnh trĩ. Việc nắm rõ những kiến thức cơ bản về phương pháp hoặc thuốc điều trị trĩ sẽ giúp người bệnh tự tin hơn khi chữa trị.
Điều trị ngoại khoa
Theo ThS.BS Dương Phước Hưng – Trưởng phân khoa hậu môn, BV Đại học Y dược TPHCM, y học hiện đại đã có nhiều bước tiến, khám phá các cách điều trị bệnh trĩ. Tuy nhiên, chỉ sau khi thăm khám cụ thể, bác sĩ mới có thể quyết định điều trị theo phương pháp phù hợp với từng bệnh nhân.
Thông thường, biện pháp can thiệp ngoại khoa chỉ được chỉ định sau khi điều trị nội khoa với thuốc không có hiệu quả, hoặc bệnh nhân khi đến thăm khám đã ở giai đoạn bệnh nặng, phải can thiệp bằng phương pháp giải phẫu ngay.
Bệnh trĩ gây nhiều phiền toái, khổ sở cho người bệnh |
Đối với trĩ độ một, độ 2, các thủ thuật ngoại khoa phổ biến hiện nay là chích xơ, thắt trĩ bằng vòng cao su, quang đông hồng ngoại. Thủ thuật chích xơ được thực hiện bằng cách tiêm thuốc làm xơ hóa vùng dưới niêm mạc để giảm lưu lượng máu đến búi trĩ.
“Thủ thuật này tuy đơn giản nhưng cần được thực hiện bởi các bác sĩ có tay nghề để đảm bảo tránh được các biến chứng như xuất huyết hoặc tiêm quá sâu vào tuyến tiền liệt, trực tràng”, bác sĩ Hưng chia sẻ.
Người bệnh nên đến các cơ sở y tế, bệnh viện để được bác sĩ tư vấn |
Một thủ thuật khác được áp dụng cho các búi trĩ nhỏ và vừa là thắt trĩ bằng vòng cao su. Với phương pháp này, búi trĩ sẽ được cột lại bằng một vòng cao su nhỏ và sẽ hoại tử sau 3 – 4 ngày. Tuy hiệu quả cao nhưng vị trí cột vẫn có nguy cơ bị xuất huyết, nhiễm trùng huyết, loét và cần được thực hiện tại những cơ sở có uy tín.
Quang đông hồng ngoại cũng là một trong những thủ thuật được sử dụng phổ biến , dùng sức nóng tia hồng ngoại để làm cho mô bị đông lại và tạo sẹo xơ, giảm lưu lượng máu đến búi trĩ, đồng thời cố định trĩ vào ống hậu môn. Thủ thuật này tuy hiệu quả nhưng đòi hỏi người bệnh phải tới lui cơ sở y tế thực hiện nhiều lần.
Đối với trĩ nội ở cấp độ 3, 4 và trĩ ngoại có biến chứng, trĩ sa vòng, bác sĩ sẽ xem xét chỉ định phẫu thuật cắt trĩ. Hiện nay có rất nhiều hình thức cắt trĩ được áp dụng như phẫu thuật Longo, khâu treo trĩ bằng tay, dùng máy siêu âm Doppler để khâu cột động mạch trĩ. Đây được xem là biện pháp cuối cùng, khi các phương pháp điều trị bằng thuốc và thủ thuật không đem lại hiệu quả.
Tuy tác động trực tiếp để tiêu diệt búi trĩ, điều trị ngoại khoa thường không giải quyết tận gốc gây ra bệnh trĩ, rất dễ tái phát nếu không tuân thủ nghiêm ngặt các chế độ ăn uống, sinh hoạt và uống thuốc sau phẫu thuật.
Điều trị nội khoa
Với ưu điểm, dễ tìm mua, có tác dụng tăng trương lực tĩnh mạch, bảo vệ tĩnh mạch, tăng tuần hoàn máu và chống viêm nhiễm hậu môn, điều trị nội khoa luôn được ưu tiên hơn phương pháp ngoại khoa. Tuy nhiên, người bệnh cần tuân thủ đúng liệu trình dùng thuốc điều trị trĩ cũng như các hướng dẫn điều trị khác của bác sĩ chuyên khoa.
Ở giai đoạn trĩ cấp, khi bắt đầu có các triệu chứng của trĩ như chảy máu lúc đi đại tiện, bị rát hoặc có dịch nhầy, cảm giác đau rát, ngứa ngáy, khó chịu vùng hậu môn người bệnh có thể sử dụng các thuốc điều trị trĩ không kê đơn chứa flavonoid dạng vi hạt.
Các nghiên cứu lâm sàng quốc tế đã chứng minh flavonoid dạng vi hạt có kích thước nhỏ nên hấp thu dễ dàng hơn, giúp thuốc tác dụng nhanh và mạnh để tăng sức bền thành mạch cũng như kháng viêm chuyên biệt.
Điều trị nội khoa bằng thuốc điều trị trĩ được nhiều người lựa chọn khi phát hiện bệnh trĩ cấp |
Nhờ đó, bệnh nhân trĩ có thể dứt các triệu chứng khó chịu do bệnh gây ra với một lộ trình 7 ngày gồm cầm máu trong 3 ngày đầu và giảm các triệu chứng như ngứa ngáy, đau rát, khó chịu trong 4 ngày kế tiếp dùng thuốc.
Sau khi dứt các triệu chứng khó chịu của trĩ cấp, người bệnh cần lưu ý duy trì chế độ ăn uống khoa học, chú trọng những thực phẩm có nhiều chất xơ như rau, khoai, chọn những loại trái cây nhuận tràng như đu đủ, thanh long, bưởi, uống nhiều nước, hạn chế các gia vị cay nóng.
Ngoài ra, người bệnh cần tránh gồng quá sức khi làm việc nặng, tránh rặn khi đi đại tiện, giữ vệ sinh vùng hậu môn để tránh cho bệnh trở nặng hơn vì viêm nhiễm.