Hãy là người nội trợ thông minh
“Để làm bà nội trợ thông thái quả thật rất khó”, là tâm sự của chị Nguyễn Như Phương (phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa). Chị phải thường xuyên xem thời sự, tin tức trên báo chí về vấn đề thực phẩm, cập nhật nhanh những thực phẩm độc hại, có nguồn gốc không rõ ràng nhất là những cửa hàng, cơ sở kinh doanh buôn bán được nêu tên trên báo chí để tránh. Theo chị Phương muốn lựa chọn thực phẩm an toàn không chỉ mua ở những cơ sơ uy tín mà nên chọn những sản phẩm theo mùa, ưu tiên thực phẩm sản xuất tại địa phương bởi sẽ giảm bớt khâu di chuyển, sản phẩm sẽ tươi ngon hơn.
Còn chị Phan Thị Thu (làm việc tại Hội Liên hiệp Phụ nữ Thanh Hóa) thì luôn tìm thực phẩm ở các tổ liên kết sản xuất sản phẩm sạch do phụ nữ làm chủ. Ở đó, chị Thu không những yên tâm về nguồn gốc sản phẩm mà còn giúp hội viên tiêu thụ sản phẩm và giới thiệu thực phẩm an toàn đến với nhiều người tiêu dùng hơn nữa. Bên cạnh đó, nhiều chị em tự tạo cho mình một vườn rau mini, tận dụng khoảng trống có thể để trồng rau, cây ăn quả vì bữa cơm an toàn cho gia đình.
Hội viên huyện Hậu Lộc tham gia mô hình sản xuất rau an toàn.
Địa chỉ xanh, sản phẩm sạch
Trong những năm gần đây, cuộc chiến thực phẩm bẩn với sự vào cuộc tích cực của ban, ngành cùng các tổ chức xã hội đã tạo chuyển biến rõ nét. Nhiều chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh đã có ý thức hơn trong việc đảm bảo VSATTP. Chị Tống Thu Hiền – Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Hiền Nhuần, tâm sự: “Để có các loại trứng tươi, ngon, đảm bảo chất lượng đến tay người tiêu dùng, công ty đã liên kết với 6 trang trại đều đã đạt tiêu chuẩn về chăn nuôi an toàn. Tất cả các khâu từ sản xuất, vận chuyển, đến đóng gói đều được giám sát, đúng quy trình kỹ thuật. Hiện tại, công ty đã cho ra đời sản phẩm trứng hữu cơ, ở đó gà được nuôi trong dàn mát, hệ thống nước uống tự động, thức ăn từ bột cá, đậu tương, đậu nành, bột sò, trái cây chín, ủ cho lên men với chế phẩm sinh học”.
Phát huy vai trò của phụ nữ trong công tác đảm bảo VSATTP, đến nay Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã xây dựng được 168 mô hình “Chi hội phụ nữ tự quản vệ sinh an toàn thực phẩm”, hàng trăm mô hình kinh tế tập thể thực hiện sản xuất an toàn, sản phẩm được tiêu thụ cho các cửa hàng, chợ an toàn, bếp ăn tập thể. Mỗi mô hình đều được Hội LHPN tỉnh hỗ trợ và được tập huấn kỹ thuật sản xuất kinh doanh theo hướng an toàn, bền vững. Đối với các hội viên khi tham gia mô hình, phải cam kết sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm an toàn, thân thiện với môi trường, chịu sự giám sát của các đơn vị liên quan cũng như tự thống nhất xây dựng quy chế hoạt động để mang lại hiệu quả.
Bên cạnh đó, các cấp hội phụ nữ cơ sở có nhiều cách làm hay, sáng tạo vừa thân thiện với môi trường vừa đảm bảo ATTP như: “Đi chợ không túi nilon” của Hội Liên hiệp Phụ nữ Đông Sơn, phiên chợ “Nói không với thực phẩm bẩn” của Hội Liên hiệp Phụ nữ Bỉm Sơn… Những nỗ lực của các cấp hội phụ nữ đã và đang góp phần nâng cao ý thức, làm chuyển biến hành vi của hội viên, phụ nữ và người dân trên địa bàn trong sản xuất, kinh doanh, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết 04 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa.
Nguồn; Báo Văn hóa đời sống