Đó là những nội dung được bàn thảo sôi nổi tại tại Hội nghị Hiệu trưởng các trường y dược Việt Nam diễn ra trong 2 ngày 26-27/8 tại Hà Nội…
Đào tạo y dược nên mấy năm?
Tại hội nghị, ông Nguyễn Minh Lợi, Phó Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) cho hay, đề xuất khung giáo dục quốc dân trong lĩnh vực y tế đã đưa ra hai mô hình về thời gian đào tạo đại học y dược. Thứ nhất, sẽ kéo dài 4 năm đối với các ngành điều dưỡng, y tế công cộng, kỹ thuật y học và các hệ cử nhân khác. Thứ hai, là ngành y khoa, răng hàm mặt và dược sẽ có thời gian đào tạo là 5 năm (tối thiểu là 150 tín chỉ) tương đương trình độ bậc 7 trong Khung trình độ quốc gia (tương đương thạc sĩ).
Thảo luận về vấn đề này, tại hội nghị, hầu hết các ý kiến của thành viên hội đồng hiệu trưởng các trường y dược đều cho rằng, không nên rút thời gian đào tạo các trường y và thậm chí kể cả dược xuống 5 năm, mà nên giữ thời gian 6 năm. PGS.TS. Nguyễn Đức Hinh, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội cho biết, trên thế giới hiện có 3 mô hình chủ yếu về đào tạo y khoa, gồm: mô hình 4+4 của Mỹ, 5 năm của Anh và một vài nước, còn lại 6 năm là mô hình phổ biến. Do đó, PGS.TS. Nguyễn Đức Hinh đưa ra quan điểm, đề nghị đào tạo y khoa phải đào tạo 6 năm bởi trong bối cảnh đào tạo ĐH ở nước ta vẫn còn một số nội dung bắt buộc không thể bỏ đi được mà lại cắt giảm thời gian đào tạo thì không ổn.
“Trong lịch sử đào tạo y khoa của chúng ta, ngay cả trong những năm chiến tranh ác liệt nhất cũng chỉ có 1-2 khóa đào tạo y khoa 5 năm. Sau đó, các thầy yêu cầu làm lại đúng chương trình 6 năm cho đến tận ngày hôm nay”- Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội nói.
Sinh viên Trường ĐH Y Hà Nội học tập tại BV Nhi TW. Ảnh: TM
Đồng quan điểm này, lãnh đạo Trường ĐH Y dược Hải Phòng, ĐH Y Dược Cần Thơ, ĐH Y Dược Huế đều nhận định, hiện nay các trường đang đào tạo y đa khoa 6 năm, các nước cũng đều đào tạo 6 năm. Do đó, nếu Việt Nam lại rút xuống 5 năm thì sẽ không hội nhập.
Ông Nguyễn Minh Lợi giải thích, Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân đã được ban hành. Hiện tại, Luật Giáo dục Đại học cũng đang được sửa đổi và nếu vào năm 2018, quy định này được luật hóa thì thời gian đào tạo các trường ĐH y dược đương nhiên phải là 5 năm.
Bên cạnh đó, theo ông Lợi, không nên tiếp cận theo cách thời gian đào tạo ĐH y dược là bao lâu mà phải tiếp cận theo hướng, để trở thành bác sĩ thì phải học bao lâu. Theo đó, thời gian để một người trở thành bác sĩ theo đề xuất mới vẫn phải mất 8 năm trong khi hiện tại mất khoảng 7,5 năm.
Chứng chỉ hành nghề sẽ có thời hạn bao lâu?
Việc tổ chức kỳ thi cấp quốc gia để được cấp chứng chỉ hành nghề do Hội đồng Y khoa quốc gia tổ chức là chủ đề được bàn luận sôi nổi tại Hội nghị hội đồng các hiệu trưởng trường y dược. Theo đề xuất của Cục Khoa học Công nghệ và đào tạo, những người tốt nghiệp ĐH y dược sẽ phải trải qua kỳ thi cấp quốc gia để lấy chứng chỉ hành nghề sau đó phải trải qua thời gian thực hành nghề nghiệp từ 1-3 năm tùy theo từng ngành trước khi được hành nghề chính thức.
Cụ thể, với các ngành điều dưỡng, kỹ thuật y học,… sẽ có thời gian thực hành là 1 năm. Còn đối với ngành y khoa, răng hàm mặt và dược thì thời gian thực hành sẽ kéo dài tới 3 năm.
Hiện nay, sinh viên y khoa sau khi học 6 năm trong trường, thực hành 18 tháng trong bệnh viện sẽ được cấp chứng chỉ hành nghề 1 lần và có giá trị vĩnh viễn.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường, trong bối cảnh đào tạo y khoa hiện nay, việc tổ chức một kỳ thi cấp quốc gia để cấp chứng chỉ hành nghề đối với bác sĩ, dược sĩ là rất cần thiết để đảm bảo nâng cao chất lượng đầu ra, đảm bảo an toàn cho người bệnh.
Hiện nay, Bộ Y tế đã xây dựng đề án thành lập Hội đồng Y khoa quốc gia để chịu trách nhiệm tổ chức cuộc thi này. Kết quả của cuộc thi sẽ là căn cứ để Cục Quản lý khám chữa bệnh của Bộ Y tế cấp chứng chỉ hành nghề. Tuy nhiên, việc cấp chứng chỉ có thể chỉ có giá trị trong 5 năm chứ không phải là vĩnh viễn như trước đây.
Thời điểm thi sẽ được thực hiện ngay sau khi sinh viên y khoa vừa tốt nghiệp để đảm bảo sàng lọc đối tượng được tham gia giai đoạn thực hành nghề nghiệp sau đó. Bên cạnh đó, gọi là kỳ thi quốc gia nhưng không phải là tổ chức thi trong cùng một ngày mà mỗi năm sẽ tổ chức 3-4 lần, tại nhiều nơi khác nhau, chỉ sử dụng chung một quy chế.
Nguyễn Hoàng