Xúc động và cảm phục những bác sĩ lặng thầm vì người bệnh

Trong chương trình Tôn vinh Thầy thuốc Việt Nam “Sự hy sinh thầm lặng” do Báo Sức khoẻ&Đời sống tổ chức ngày 16/8/2017 có rất nhiều nguyên mẫu cảm động. Những tấm gương hy sinh thật sự lặng thầm đó đã vượt ra khỏi phạm vi “người tốt việc tốt” của ngành Y tế, khiến cho người đọc xúc động, cảm phục và nhen lên niềm tin vào con người, vào những điều tốt đẹp vốn vẫn còn rất nhiều trong cuộc sống.

TTND.BS Trần Sĩ Tuấn, Tổng biên tập Báo Sức khoẻ&Đời sống cho biết: “Sự hy sinh thầm lặng” là cuộc thi viết về những tấm gương y đức nhưng không đơn giản là tuyên truyền mà là đi sâu vào những số phận, miêu tả những con người cao quý với tất cả những cung bậc của đời thường.

Họ là những bác sĩ sẵn sàng hy sinh tình cảm gia đình để hàng chục năm gắn bó, chăm sóc đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao hẻo lánh hay nơi đảo nhỏ xa xôi. Là những trí thức, nhà khoa học chấp nhận sự thua thiệt về mình để phấn đấu cho mục đích lớn nhất là đem lại sức khỏe, hạnh phúc cho đồng loại. Là những bác sĩ chăm sóc những bệnh nhân đặc biệt – bệnh nhân tâm thần, phạm nhân mắc HIV… Tất cả những gì họ đã làm chỉ có thể giải thích lý do đó là xuất phát từ tình yêu thương con người sâu sắc”.

Các nhân vật và tác giả nhận giải Khuyến khích.

 

Người bác sĩ nơi rừng sâu núi thẳm

Bác sĩ Võ Thanh Dũng được bà con xã Ea Trul, xã Yang Yeh- những xã nơi rừng sâu núi thẳm của Daklak gọi là Ka Dũng, là bác sĩ của buôn làng. Trong suốt 35 năm, công việc hàng ngày của anh là luồn rừng, vượt suối đến tận nơi để cứu chữa cho người bệnh. Bởi nhiều căn bệnh cần xử lý nhanh mà đường từ rừng sâu đến bệnh viện có khi đi mất cả ngày đường. Bằng những ca bệnh được cứu sống cụ thể, anh đã dần thay đổi được lo ngại “dám làm ngược lại thần linh” và tin vào y khoa. Còn bác sĩ thì có khi cả tháng chỉ về nhà ngủ được mấy ngày, còn lại mệt quá ngủ tại các buôn luôn.

Tại đây, đã có nhiều ca phẫu thuật có một không hai khi toàn bộ quy trình do một mình y sĩ Dũng khi ấy thực hiện giữa rừng sâu. Hàng trăm ca đỡ đẻ thai nghịch, cho đến hàng loạt ca xử lí bệnh đau tim, đau ruột thừa lại được y sĩ Dũng xử lí dưới ánh đèn dầu trong căn chòi tạm. Thế nhưng, thật kỳ diệu, tất cả các ca xử lí ấy đều không xảy ra sự cố đáng tiếc nào.

Bác sĩ Dũng đã hai lần được “chấm” làm lãnh đạo bệnh viện huyện. Biết thông tin này, người dân từ các buôn sâu đã tìm đến tận nhà ông, nói rằng “cái bụng của chúng mình không muốn cho Dũng đi đâu cả”. Cảm kích trước nghĩa tình này, lại một lần nữa BS. Dũng từ chối thăng chức, từ chối về trung tâm huyện mà bám trụ ở Trạm Y tế xã Yang Reh cho đến tận bây giờ.

Nữ bác sĩ thép ở Hoàng Sa

Trung tâm cấp cứu 115 Đà Nẵng chỉ nhận hỗ trợ cứu nạn trên biển, không phải là nhiệm vụ chính. Thế nhưng, với lương tâm của người thầy thuốc, Bác sĩ Phạm Thị Ánh Hồng, Phó GĐ trung tâm Cấp cứu 115 Đà Nẵng đã cùng với đồng đội luôn sẵn sàng “lao ra biển” mỗi khi có người gọi cứu hộ. Họ gọi chị với cái tên thân mật là “chị Hồng 115”.

Có rất nhiều chi tiết cảm động về những lần cứu hộ ngư dân nghèo gặp nạn trên biển lúc sóng to gió lớn này, cho thấy cái sự “thép” của chị. Bên trong vỏ thép là tấm lòng nhân ái, luôn sẵn sàng cứu người. Là trái tim người mẹ khi trong những chuyến đi cứu hộ cận kề cái chết chị đã khóc: Hay mình lấy điện thoại ra nói chuyện với con mình. Mình chết thì con mình sẽ ra sao ?…

Thế nhưng, chị vẫn tiếp tục ra khơi những lần sau đó và hiện tại đã làm công việc này trên 10 năm. Cả nước chỉ có Đà Nẵng làm việc này.

Bác sĩ của dân bản

Bác sĩ Và Bá Tủa, trạm trưởng trạm y tế xã Nhôn Mai, huyện biên giới Tương Dương (Nghệ An) là một người Mông được đào tạo chính quy, có tay nghề giỏi, nhiệt huyết. BS. Tủa xem người bệnh như người nhà nên hết lòng cứu chữa từ ca phẫu thuật phức tạp trong đêm đến ca đẻ khó giữa rừng sâu.

BS. Tủa đã có rất nhiều ca bệnh nhớ đời. Một trong số đó là một bệnh nhân 52 tuổi, được cáng vào trạm lúc 3 giờ ngày 11/11 khi toàn bộ da đầu bị bong tróc, máu chảy nhiều do đang đi thăm rẫy thì mưa lớn gây sạt núi đá, vùi lấp. BS. Tủa cấp cứu kịp thời trong đêm. Sau 18 mũi khâu, điều trị trong 8 ngày, nay ông Hùng đã rời trạm xá đi làm rẫy bình thường.

Điều đặc biệt là bố BS. Tủa là một thầy cúng có uy cũng ở xã đó. Từ khi BS. Tủa chữa khỏi được nhiều trường hợp bệnh hiểm nghèo thì hai bố con thường có những cuộc tranh luận về hiệu quả khoa học (ngành y) và nghề khài (cúng). Qua nhiều lần tranh luận và cùng với thực tế, cuối cùng ông thày cúng đã phải chịu ông bác sĩ, nói rằng “bệnh muốn khỏi phải nhờ BS. Tủa”. Từ đó ông chỉ khài mỗi năm 1 lần cho vui, thay vì 5-6 lần như trước kia.

Người “thấu” tận cùng nỗi đau của bệnh nhân ung thư

PGS.TS.Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K Trung ương đã cùng với một số giáo sư đầu ngành về ung thư ở nước ngoài, tìm hướng đi cho công tác phòng chống ung thư, đặc biệt đi sâu vào ung thư vú, với mong muốn tìm được cách thức tuyên truyền phát hiện sớm và các biện pháp điều trị thật hiệu quả, hợp lý với điều kiện Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường chúc mừng nhân vật nguyên mẫu trong bài viết – PGS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc BV K Trung ương.

Kể từ đó, anh cùng đồng nghiệp tiến hành thực hiện một loạt các công trình nghiên cứu các cấp về ung thư vú. Điển hình trong số này là: Nghiên cứu liệu pháp điều trị nội tiết bằng Tamoxifen kết hợp với cắt buồng trứng trên bệnh nhân ung thư vú chưa mạn kinh ở giai đoạn mổ được (đề tài kết hợp với Hoa Kỳ, thực hiện chính, nghiệm thu 2005); Nghiên cứu hiệu quả hóa chất bổ trợ phác đồ CAF, TAC cho bệnh nhân ung thư vú (nghiệm thu 2012); Đánh giá hiệu quả thuốc ức chế men aromatase trong điều trị bổ trợ bệnh nhân ung thư vú đã mạn kinh có thụ thể nội tiết dương tính (nghiệm thu 2011); Sàng lọc phát hiện sớm ung thư vú, ung thư cổ tử cung (nghiệm thu 2013); Nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao trong chẩn đoán và điều trị một số bệnh ung thư thường gặp (nghiệm thu 2011); Nghiên cứu dịch tễ học, chẩn đoán, điều trị phòng chống một số bệnh ung thư ở Việt Nam (vú, gan, dạ dày, phổi, máu)- (nghiệm thu 2005); Nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao trong chẩn đoán, điều trị ung thư vú (nghiệm thu 2015)….

Kết quả nghiên cứu của các đề tài trên đã được ứng dụng rộng rãi tại các cơ sở phòng chống ung thư ở Việt Nam, cũng như được đưa vào các hướng dẫn quốc gia trong sàng lọc phát hiện sớm, chẩn đoán và điều trị ung thư vú. Nhờ đó, tỷ lệ phát hiện sớm, tỷ lệ chữa khỏi ung thư vú hiện được nâng cao rõ rệt, con số tử vong do ung thư vú tại Việt Nam cũng giảm hẳn. Mọi người trìu mến gọi anh là “người tuyên chiến với ung thư vú”.

BS. Thuấn đảm nhiệm giám đốc Quỹ ngày mai tươi sáng. Cho tới nay, Quỹ đã vận động được trên 32 tỷ đồng, hỗ trợ tài chính được 8.796 bệnh nhân ung thư nghèo, khám sàng lọc ung thư vú, ung thư cổ tử cung cho 37.000 phụ nữ trên khắp toàn quốc. Quỹ đã hỗ trợ thành lập và duy trì hoạt động hiệu quả 05 câu lạc bộ bệnh nhân ung thư vú tại Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Cần Thơ và TP. Hồ Chí Minh.

Sau 5 năm hoạt động, tháng 8 năm 2016, Quỹ Ngày mai tươi sáng đã trở thành thành viên chính thức của Hiệp hội kiểm soát ung thư quốc tế (UICC).

Cuộc hành trình lặng lẽ của lòng tốt để nối dài sự sống

Tháng 9/2015, lần đầu tiên tim và gan của người hiến được vận chuyển xuyên Việt, 1.700 km bằng máy bay với những tình tiết khiến mọi người thót tim và cảm phục sự tận tâm cũng như nỗ lực hết mình của các y bác sĩ.

Kíp bác sĩ nhận nhiệm vụ vào BV Chợ Rẫy để lấy tạng đưa ra Hà Nội là GS.TS Trịnh Hồng Sơn, Phó Giám đốc BV và PGS.TS Nguyễn Hữu Ước, Trưởng khoa Phẫu thuật Tim mạch. Tình thế gay cấn bởi khi nào trong TPHCM thông báo bệnh nhân đã chết não thì cả kíp mới lên máy bay vào. Nhờ sự giúp đỡ của hàng không, kíp bác sĩ đã kịp thời có chỗ ngồi trên chuyến bay lúc 14h30,tức là chỉ 30 phút sau khi có thông tin.

Cùng lúc đó tại BV Chợ Rẫy, kíp bác sĩ đang tiến hành thủ thuật trên bệnh nhân chết não hiến tạng. Khi kíp bác sĩ BV Việt Đức có mặt tại phòng phẫu thuật BV Chợ Rẫy ngay lập tức họ bắt tay vào bóc tách tim và gan của người hiến rồi cho vào túi nilon đựng dung dịch chuyên biệt để bảo quản tạng. Toàn bộ khối tạng đó được đựng trong 2 chiếc hộp có chứa đá để giữ lạnh. Quá trình bóc tách tim và gan của người cho chết não, GS Sơn và PGS Ước phải ngâm đôi bàn tay trong đá lạnh buốt vì khi bóc tách phải đảm bảo nhiệt độ đủ lạnh để làm ngưng quá trình chuyển hoá của tế bào trong tạng. Liên tục những bác sĩ đứng phụ thay đá liên tục để đảm bảo đúng kỹ thuật. GS Sơn chia sẻ, việc ngâm tay trong đá lạnh đến cóng tay đã thành quen với những bác sĩ ghép tạng như anh.

Hơn 100 bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên đã được huy động để thực hiện ca lấy tạng và ghép nó vào cơ thể bệnh nhân khác. Cả 2 ca ghép đều đã thành công.

Nhóm PV