Chiều cao người Việt bị liệt vào top 20 nước thấp nhất thế giới – Cách nào để cải thiện?

Tại hội thảo khoa học “Tầm vóc cơ thể và một số yếu tố tăng trưởng chiều cao” do Tổng hội Y học Việt Nam tổ chức ngày 26/9, TS. BS Trương Hồng Sơn, Phó Tổng Thư ký Tổng hội Y học Việt Nam – Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho biết: Theo công bố mới nhất tháng 7-2016, nam giới Việt Nam đứng thứ 19 trong số những nước có chiều cao thấp nhất thế giới, nữ giới đứng thứ 13 trong số những nước có chiều cao thấp nhất thế giới.

Viedeo: TS. BS Trương Hồng Sơn, Phó Tổng Thư ký Tổng hội Y học Việt Nam – Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho biết trong 10 năm trở lại đây, trên thế giới, chiều cao trung bình của người trưởng thành tăng 2, 3 cm nhưng tại Việt Nam chỉ tăng 1 tới 1, 5 cm.

Người Việt vẫn thấp còi so với thế giới

TS. BS Trương Hồng Sơn, Phó Tổng Thư ký Tổng hội Y học Việt Nam – Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho biết: Trong 10 năm trở lại đây, trên thế giới, chiều cao trung bình của người trưởng thành tăng 2, 3 cm nhưng tại Việt Nam chỉ tăng 1 tới 1, 5 cm. Việt Nam đứng thứ 19 trong số những nước có chiều cao thấp nhất thế giới, nữ giới đứng thứ 13 trong số những nước có chiều cao thấp nhất thế giới.

Kết quả tổng điều tra dinh dưỡng trong vòng 34 năm qua (1975-2009) cho thấy, chiều cao trung bình của nam giới Việt Nam tăng 4,4 cm (từ 1,6m lên 1,64m), chiều cao trung bình của nữ giới tăng 3,4 cm (từ 1,5m lên 1,53m). Tuy nhiên, đây là mức tăng trưởng thấp.

Trong khi đó, chiều cao trên Thế giới và các nước Đông Nam Á những năm qua có sự tăng lên rõ rệt. 100 năm qua, mức tăng chiều cao trung bình lớn nhất thuộc về nữ giới Hàn Quốc (tăng 20,2 cm, từ vị trí thứ 196 vươn lên thứ 55 thế giới) và nam giới Iran (tăng 16,5 cm, từ vị trí 181 lên thứ 67 thế giới)

Chiều cao người Việt bị liệt vào top 20 nước thấp nhất thế giới

 

Theo TS.BS Trương Hồng Sơn, nhiều yếu tố ảnh hưởng tới chiều cao trẻ em Việt, trong đó 5 yếu tố chính sau:

– Di truyền: Có khoảng hơn 400 gen khác nhau ảnh hưởng đến chiều cao của con người, trong số đó có 83 gen có ảnh hưởng mạnh mẽ đến chiều cao. Yếu tố gen tác động đối với chiều cao sẽ tăng dần theo tuổi và sẽ gây ra ảnh hưởng lớn nhất ở độ tuổi vị thành niên. Gen quyết định tới 83% chiều cao ở trẻ trai và 76% ở trẻ gái. 20-40% chiều cao khi trưởng thành được quyết định bởi các yếu tố khác, trong đó quan trọng nhất chính là dinh dưỡng.

Tại các quốc gia châu Âu hoặc Bắc Mỹ, di truyền có thể ảnh hưởng tới 80% chiều cao khi trưởng thành, trong khi tại các quốc gia châu Á, di truyền quyết định khoảng 65% chiều cao khi trưởng thành.

– Dinh dưỡng chiếm vai trò từ 20-40%: Để trẻ đạt được chiều cao tối ưu cần cho trẻ một chế độ dinh dưỡng cân đối. Một vài nghiên cứu được cho rằng, nếu nạp đủ lượng protein trong quá trình tăng trưởng, chiều cao sẽ tăng trưởng tốt hơn. Do vậy trẻ cần được bổ sung đầy đủ protein, đặc biệt từ thịt nạc, đậu nành, cá và các sản phẩm từ sữa. Những loại protein này sẽ giúp cơ thể phát triển, làm chắc khỏe xương và kích thích sự tăng trưởng của trẻ. Các vi chất dinh dưỡng quan trọng ảnh hưởng đến chiều cao của trẻ gồm canxi, sắt, kẽm, vitamin A, vitamin D, vitamin K2 cùng một số khoáng chất khác.

– Luyện tập thể thao giúp cơ và xương chắc khỏe, giúp việc duy trì cân nặng hợp lý và kích thích sản xuất hormone tăng trưởng chiều cao. Trẻ em ở độ tuổi đi học cần ít nhất một giờ luyện tập mỗi ngày.

– Giấc ngủ có vai trò quan trọng với tăng trưởng chiều cao của trẻ. Khi ngủ cơ thể tiết ra lượng hormone tăng trưởng nhiều gấp 4 lần khi thức. Trẻ không ngủ đủ giấc  không chỉ ảnh hưởng đến tăng trưởng chiều cao mà còn ảnh hưởng đến hormone điều chỉnh cảm giác đói và vị giác khiến trẻ ăn nhiều hơn bình thường và có nguy cơ thừa cân. Thêm vào đó, thiếu ngủ có thể ảnh hưởng đến việc cơ thể chuyển hóa thức ăn gây ra tình trạng kháng insunlin và có liên quan đến bệnh tiểu đường type 2 khi trưởng thành.

– Bệnh tật ảnh hưởng đến phát triển chiều cao như bệnh truyền nhiễm, nhiễm giun sán, bệnh đường hô hấp mạn tính.

Muốn cao lớn – Phát triển dinh dưỡng trong 1000 ngày đầu đời và tiền dậy thì

Theo PGS. TS Lê Bạch Mai – Nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết: Trong giai đoạn 1000 ngày đầu đời (từ khi bà mẹ có thai cho tới trẻ 24 tháng tuổi) là cơ hội giúp cho đứa trẻ phát triển về tầm vóc tốt nhất. Sau đó là ở giai đoạn tiền dậy thì (6 tới 11 tuổi). Vì vậy cần có chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt, thể dục hợp lý và bổ sung vi chất dinh dưỡng hợp lý để phát triển chiều cao. Khi đã qua tuổi dậy thì (khoảng 17, 18 tuổi với nam và 15, 16 tuổi đối với nữ), chiều cao sẽ phát triển rất ít và mọi cố gắng để hỗ trợ phát triển chiều cao sẽ gần như không có tác dụng.


Trong giai đoạn 1000 ngày đầu đời (từ khi bà mẹ có thai cho tới trẻ 24 tháng tuổi) là cơ hội giúp cho đứa trẻ phát triển về tầm vóc tốt nhất.

PGS. TS Lê Bạch Mai cho biết: Trong 30 năm qua, tỷ lệ biến đổi suy dinh dưỡng nhẹ cân giảm ngoạn mục từ 01% xuống 14% nhưng tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi chỉ giảm một nửa, từ 59,7% xuống 26%. Trước đây, Việt Nam có khoảng 50% trẻ suy dưỡng nhẹ cânn hưng hiện nay chỉ còn 24, 6%. Những năm 2005-2010, chương trình suy dinh dưỡng quốc gia đưa chỉ tiêu suy dinh dưỡng nhẹ cân lên vị trí số 1 và vấn đề trẻ suy dinh dưỡng thấp còi (chiều cao) là vị trí thứ hai. Nhưng từ năm 2010, vấn đề vấn đề suy dinh dưỡng nhẹ cân đã được cải thiên nên vấn đề suy dinh dưỡng thấp còi lại được lên vị trí số 1.

Bên cạnh đó, theo PGS. TS Lê Bạch Mai, khẩu phần ăn của trẻ em Việt vẫn trong tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng. Thống kê cho thấy, trẻ em ở các vùng miền trong cả nước đều đang thiếu Vitamin A trong khẩu phần ăn, duy chỉ có vùng Đông Nam bộ đáp ứng nhu cầu Vitamin A cho trẻ.

Theo kết quả nghiên cứu mới nhất năm 2015, trung bình cứ 6 trẻ dưới 5 tuổi thì có một trẻ suy dinh dưỡng, cứ 10 trẻ thì có 7 trẻ thiếu kẽm, cứ 2 trẻ có một trẻ thiếu máu.

Trong 5 năm qua, việc thiếu vitamin A cận lâm sàng không giảm đáng kể. Con số này năm 2010 là 14% và đến năm 2015, chỉ giảm được 1%, còn 13%. “Khu vực đồng bằng sông Hồng dù đời sống khá hơn nhưng tỷ lệ thiếu máu vẫn giữ nguyên mức từ năm 2000 đến 2010, không thay đổi.” – TS Lê Bạch Mai cho biết.

 

Tỷ lệ trẻ thiếu máu cũng vẫn còn rất cao. Thiếu máu ảnh hưởng lớn tới việc phát triển tầm vóc và trí tuệ của trẻ. Khẩu phần ăn của trẻ em Việt vẫn trong tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng.

Theo PGS. TS Lê Bạch Mai, tỷ lệ trẻ thiếu máu cũng vẫn còn rất cao. Thiếu máu ảnh hưởng lớn tới việc phát triển tầm vóc và trí tuệ của trẻ. Hiện nay, tỷ lệ thiếu máu trung bình giảm 28%, nhưng tỷ lệ này ở độ tuổi dưới hai tuổi không thay đổi từ năm 2005-2010. Việc lựa chọn thực phẩm chưa đúng của cha mẹ sẽ không tốt cho vấn đề hấp thụ chất dinh dưỡng ở trẻ.

“Hiện nay, việc các bậc phụ huynh cho con ăn đồ ăn nhanh, sử dụng thức ăn có nhiều đường không tốt cho sức khỏe của trẻ và cần phải thay đổi thói quen chăm sóc để trẻ để trẻ có đủ dinh dưỡng, phát triển tầm vóc” – PGS. TS Lê Bạch Mai lưu ý.

 

Dưới đây là một số hình ảnh ghi nhận tại Hội thảo

PGS.TS Nguyễn Thị Xuyên – Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam – Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại hội thảo

Đông đảo đại biểu tham gia hội thảo

TS. BS Trương Hồng Sơn, Phó Tổng Thư ký Tổng hội Y học Việt Nam – Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam

PGS. TS Lê Bạch Mai – Nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia trình bày tại hội thảo

Thanh Loan