Theo y học cổ truyền, dây đẹt ác có vị ngọt, đắng, tính hơi ôn, vào kinh phế, có tác dụng nhuận phổi, tiêu đờm, sát trùng. Thường dùng chữa ho. Dùng ngoài có thể sắc lấy nước để chữa ghẻ, diệt chấy rận.
Dây đẹt ác còn có tên khác là dây ba mươi, bách bộ, mằn sòi (Tày), mùi sấy dòi (Dao), hơ linh (Ba Na). Là một loại cây leo, dài 6 – 8m, có khi hơn. Lá thường mọc đối, có cuống, hình trái tim, mặt lá có gân. Cụm hoa mọc ở kẽ lá gồm 1-2 hoa lớn màu vàng đỏ. Nhị có tua ngắn. Quả nang hình trứng có 4 hạt.
Dây đẹt ác mọc hoang nhiều ở vùng rừng núi nước ta như: Lào Cai, Thái Nguyên, Hòa Bình, Tuyên Quang, Yên Bái, Lạng Sơn, Cao Bằng, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh… Bộ phận dùng làm thuốc là rễ củ, củ càng lâu năm càng tốt. Thu hái vào mùa thu hoặc đầu đông, đào toàn bộ củ lên, rửa sạch phơi khô bảo quản dùng dần.
Một số đơn thuốc thường dùng
Trẻ em ho do nhiễm lạnh: Dây đẹt ác 30g (sao), ma hoàng 30g, hạnh nhân bỏ vỏ và đầu nhọn, sao, nghiền nhỏ sắc kỹ lấy nước hòa với bách bộ và ma hoàng hoàn thành viên như hạt bồ kết. Mỗi lần uống 2 – 3 viên với nước ấm.
Chữa ho do hen suyễn: Dây đẹt ác 20g, ma hoàng 8g, tỏi 1 củ, rễ cây bông 3 cái. Sắc uống.
Chữa ho do cảm mạo, ngứa họng, đờm ít: Dây đẹt ác 16g, kinh giới 12g, bạch tiền 12g, cát cánh 12g. Sắc uống ngày một thang. Uống trong 5 – 7 ngày.
Chữa ho do lao phổi và ho do phổi nóng (phế nhiệt): Dây đẹt ác 1.000g, sa sâm 1.000g, sắc với 5.000ml nước, bỏ bã, cô đặc thêm 1.000g mật ong, cô nhỏ lửa thành cao. Mỗi lần uống 1 thìa canh, ngày 2 lần.
Chữa ho do viêm phế quản: Dây đẹt ác 8g, bách hợp 30g, mạch môn đông 10g, thiên môn đông 10g, tang bạch bì 12g, ý dĩ nhân 15g, nước 1.000ml. Sắc còn 400ml, chia làm 3 lần, uống trong ngày. Dùng 5-7 ngày.
Trị giun kim: Dây đẹt ác tươi 40g (bằng 20g khô), nước 200ml, sắc đun sôi trong nửa giờ, cô lại còn khoảng 30ml. Dùng nước thuốc thụt hậu môn trong 20 phút. Mỗi ngày làm 1 lần. Làm như vậy trong thời gian 10-12 ngày sẽ tẩy hết giun kim.
Diệt chấy rận: Dây đẹt ác sắc đặc dùng gội đầu thường xuyên có tác dụng giảm ngứa, diệt chấy, rận.
Lưu ý: Người có tỳ vị hư nhược, người bệnh dạ dày, hay tiêu chảy không được dùng.
Lương y Nguyễn Văn Quyết