Cần có chính sách phát triển mô hình bác sĩ gia đình

Khó khăn trong thủ tục chi trả bảo hiểm, chuyển tuyến, thiếu kiểm soát khi các bệnh nhân điều trị tuyến trung ương, chưa thực hiện hồ sơ bệnh án điện tử … là những bất cập cần giải quyết của mô hình bác sĩ gia đình (BSGĐ) hiện nay.

Triển khai thí điểm từ ngày 15-7-2014, mô hình BSGĐ đã thực sự đảm nhận vai trò “người gác cổng” trong dịch vụ y tế.

Theo Bộ Y tế, việc xây dựng và phát triển mạng lưới BSGĐ được triển khai lồng ghép với mạng lưới y tế sẵn có, bao gồm: Hệ thống phòng khám thuộc các cơ sở khám, chữa bệnh công lập, phòng khám BSGĐ lồng ghép chức năng với trạm y tế xã, phường, đặc biệt là phòng khám BSGĐ tư nhân để quản lý và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn diện, liên tục cho cá nhân, gia đình. Quy mô một phòng khám BSGĐ bao phủ một cụm dân cư tối thiểu 500 dân. Người chịu trách nhiệm chuyên môn của phòng khám phải là bác sĩ có chứng chỉ hành nghề về y học gia đình.

Tại Hà Nội, quý 3-2017, Sở Y tế Hà Nội đã đẩy mạnh việc triển khai công tác khám, chữa bệnh theo mô hình phòng khám BSGĐ tại các đơn vị trạm y tế, phòng khám đa khoa khu vực. Đặc biệt, toàn TP đã tích cực khám và lập hồ sơ quản lý sức khỏe cho người dân.

Người dân lựa chọn mô hình BSGĐ để chăm sóc sức khỏe toàn diện cho trẻ em và gia đình. 

Tính đến nay đã có 814.433 hồ sơ sức khỏe được lập. Các đơn vị trong ngành đã xây dựng kế hoạch mua thẻ bảo hiểm y tế cho 100% người bị nhiễm HIV trên địa bàn thành phố. Về thực hiện tiêu chí quốc gia y tế xã, đã có 1.724 xã, phường bố trí vốn xây dựng và sửa chữa trạm y tế.

Bên cạnh hiệu quả từ mô hình BSGĐ, song thực tế mô hình này vẫn còn nhiều vướng mắc. Cụ thể, hiện Bộ Y tế vẫn chưa xây dựng được quy chế phối hợp, chuyển tuyến và trao đổi thông tin phù hợp giữa các phòng khám BSGĐ với hệ thống khám bệnh, chữa bệnh trong quá trình quản lý bệnh nhân.

Phí dịch vụ khám, chữa bệnh tại nhà còn mang tính tự phát, chưa được thanh toán BHYT. Chưa xây dựng được mẫu bệnh án giấy thống nhất, bệnh án điện tử của phòng khám BSGĐ…

Sự thiếu liên kết giữa phòng khám BSGĐ và các bệnh viện đã tạo rào cản không nhỏ, gây khó khăn cho người dân.

Hơn nữa, các phòng khám BSGĐ hiện nay đang gặp nhiều khó khăn về nguồn nhân lực, nhân lực mỏng, phân bố không đồng đều giữa các địa phương.

Theo BS Nguyễn Tá Dũng, Phòng khám đa khoa BSGĐ Mễ Trì (Hà Nội) cho biết, việc đào tạo một bác sĩ gia đình khá vất vả, thậm chí thu nhập lại không cao so với các cơ sở y tế lớn. Khi triển khai mô hình BSGĐ, trong hệ thống y tế tư nhân việc cấp chứng chỉ hành nghề đòi hỏi bác sĩ phải có văn bằng chuyên ngành y học gia đình nên nhiều bác sĩ đã được đào tạo chuyên khoa khác không muốn đào tạo lại.

Đặc biệt là việc chi trả chi phí cho các bác sĩ hiện nay vẫn thấp. BS Nguyễn Tá Dũng cho hay, nhiều người nghĩ, chi phí khám chữa bệnh khi mời bác sĩ đến tận nhà sẽ rất tốn kém, nhưng không phải vậy. Với mức giá từ 350.000 – 500.000 đồng/lần khám tại nhà chỉ đủ để chi phí cho một bác sĩ và một điều dưỡng, nhưng chúng tôi vẫn làm để nhiều người biết đến mô hình BSGĐ.

 

Chế độ đãi ngộ với Bác sĩ gia đình hiện nay còn thấp, chưa tương xứng với công việc chuyên môn

Hơn nữa, mô hình phòng khám BSGĐ hiện cũng còn khá lạ lẫm với đại đa số người dân. Bên cạnh đó, danh mục thuốc BHYT nghèo nàn, thiết bị cận lâm sàng sơ sài là lý do khiến người dân còn thờ ơ, chưa mặn mà với loại hình dịch vụ y tế này.

Hiện nay, người dân vẫn quen với tâm lý “vượt vượt tuyến, vượt trạm để điều trị”, khi được BSGĐ chuyển lên tuyến trên để điều trị, khỏi bệnh rồi thì họ về nhà luôn, ít người quay lại cơ sở để gặp lại BSGĐ trao đổi, thông tin gì về sức khỏe, bệnh tình cho bác sĩ tiếp tục theo dõi.

Theo BS Nguyễn Thị Thanh Hòa, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Cầu Giấy (Hà Nội), không ít người dân chưa hiểu hết về lợi ích của mô hình BSGĐ, nên tham gia đăng ký quản lý sức khỏe còn hạn chế. Bệnh nhân khám, chữa bệnh không được thanh toán BHYT trái tuyến gây khó khăn trong hoạt động khám, chữa bệnh cho nhân dân. Khó khăn nữa là thiếu kinh phí đào tạo chuyên khoa BSGĐ, chưa có chế độ đãi ngộ cho các bác sĩ gia đình, đặc biệt là thiếu cơ chế tài chính, cơ chế chuyển tuyến thống nhất từ trên xuống dưới, tạo phần mềm quản lý về y học gia đình.

Hiện Bộ Y tế đã phê duyệt cho phép phòng khám BSGĐ có thể chuyển tuyến bệnh viện tỉnh hoặc trung ương mà vẫn được coi đúng tuyến.

Tuy nhiên, về nguồn nhân lực, Bộ Y tế cần có cơ chế ưu tiên đào tạo và tuyển dụng đội ngũ BSGĐ, y sĩ, điều dưỡng y học gia đình; đào tạo BSGĐ ngay ở bậc đại học; bổ sung tín chỉ y học gia đình trong chương trình đào tạo y sĩ, điều dưỡng.

Bộ Y tế đã đề ra mục tiêu đến năm 2020 có ít nhất 80% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai mô hình phòng khám BSGĐ. Nếu những nút thắt trong chính sách hỗ trợ cũng như nhận thức của xã hội về hình thức hoạt động này không sớm được tháo gỡ, thì lợi ích mà mô hình mang lại cho người dân, cộng đồng và xã hội, cũng như những con số chỉ tiêu sẽ rất khó trở thành hiện thực.

 

PV.