Cúc vạn thọ còn có tên là xú phù dung, kim hoa cúc, kim kê cúc, cúc vạn thọ kép… Là cây thảo mọc đứng, cao 0,6 – 1m, phân nhánh thành bụi có cành nằm trải ra. Lá xẻ sâu hình lông chim, các thùy hẹp, dài, nhọn, khía răng cưa. Đầu hoa tỏa tròn, rộng 3 – 4cm hay hơn, mọc đơn độc hay tụ họp thành ngù; lá bắc của bao chung hàn liền với nhau; hoa màu vàng hay vàng cam, mào lông gồm 6 – 7 vẩy rời nhau hoặc hàn liền nhau.
Hoa ở phía ngoài hình lưỡi nhỏ xòe ra, hoa ở phía trong hình ống và nhỏ. Quả bế có 1 – 2 vẩy ngắn. Cây được trồng bằng cách giâm cành hay gieo hạt nơi đất ẩm và nhiều ánh sáng. Cây ra hoa vào mùa đông cho tới mùa hạ. Người ta thu hái hoa vào mùa xuân, hè, phơi khô ngoài nắng. Thu hái lá quanh năm, thường dùng tươi.
Theo Đông y, cúc vạn thọ có vị đắng, mùi thơm, tính mát; có tác dụng thanh nhiệt giải độc, long đờm, trị ho. Thường dùng trị bệnh đường hô hấp, đau mắt (viêm kết mạc); ho gà, viêm khí quản; viêm miệng, viêm hầu, đau răng. Liều dùng 10 – 15g, dạng thuốc sắc.
Dùng trong:
Bài 1: Hỗ trợ điều trị hen phế quản: Cúc vạn thọ 20g, rau cần trôi, củ tầm sét, thài lài tía, nhân trần, rễ bạch đồng nữ, tinh tre mỡ mỗi thứ 10g thái nhỏ phơi khô sắc với 400ml nước còn 100ml uống làm 2 lần trong ngày. Dùng 3 – 5 ngày.
Bài 2: Bổ dưỡng, tăng cường thị lực: Hoa cúc vạn thọ 20g, gan gà 50g băm nhỏ nấu ăn. 10 ngày là một liệu trình.
Bài 3: Chữa ho do lạnh: Hoa cúc vạn thọ 20g, hoa đu đủ đực 10g, húng chanh 10g, đường phèn 20g. Tất cả dùng tươi rửa sạch giã nhỏ cho vào bát cùng đường phèn. Hấp cách thủy trong 10 – 15 phút. Để nguội nghiền nát, thêm nước gạn uống làm 2 – 3 lần trong ngày. Dùng 3 – 5 ngày.
Bài 4: Chữa viêm kết mạc: Cúc vạn thọ 15g sắc lấy nước uống. Dùng 3-5 ngày.
Dùng ngoài khi mụn nhọt chưa vỡ:
Lá cúc vạn thọ 10g, lá táo ta 15g, muối ăn 10 hạt. Rửa sạch, giã nhỏ, đắp vào nơi đau. Ngày thay một lần.
Ngoài ra, tinh dầu cất từ hoa cúc vạn thọ có màu vàng đỏ từ thân và lá có màu vàng lục được gọi là dầu Tagetes mùi thơm hắc được dùng trong ngành hương liệu.
Bác sĩ Hữu Nam