Lợi khuẩn có ở đâu?
Lợi khuẩn được tìm thấy một cách tự nhiên ngay chính trong cơ thể bạn. Cơ thể khi sinh ra chứa toàn vi khuẩn có ích cho sức khỏe, dần dần do ăn uống, môi trường, sử dụng thuốc… mà các con tốt chết dần đi, các con xấu ngày càng trỗi dậy.
Lợi khuẩn cũng có trong một số loại thực phẩm và những sản phẩm bổ sung. Thực ra trong các sản phẩm bổ sung hay thực phẩm chức năng có chứa lợi khuẩn, thì những con lợi khuẩn này trước đấy đã được phân lập, tách ra khỏi thực phẩm vẫn thường hay chứa chúng (như sữa chua, rau thịt lên men…) hay thậm chí từ ruột động vật hay ruột người, nghiên cứu tác dụng của nó, rồi nuôi giữ, nếu có tác dụng sức khỏe tốt sẽ được nhân giống lên trên thực phẩm hoặc trong phòng thí nghiệm, cuối cùng thu hoạch và cho vào các sản phẩm chức năng.
Hai lợi ích cơ bản của lợi khuẩn cho sức khoẻ đường ruột
Khi bạn mất đi một lượng vi khuẩn “tốt” trong cơ thể (ví dụ sau đợt dùng thuốc kháng sinh), lợi khuẩn có thể thay thế chúng.
Lợi khuẩn giúp cân bằng vi khuẩn “tốt” và “xấu” trong cơ thể để giữ cho cơ thể hoạt động khỏe mạnh bình thường.
Các loại rau củ quả lên men đều chứa lợi khuẩn.
Hai nhóm lợi khuẩn phổ biến
Nhiều loại vi khuẩn được phân loại vào nhóm lợi khuẩn, chúng có những lợi ích khác nhau, nhưng hầu hết đều đến từ 2 nhóm:
Lactobacillus: Đây là loại lợi khuẩn phổ biến nhất. Chúng có thể được tìm thấy trong sữa chua và các thực phẩm lên men khác. Các chủng lợi khuẩn khác nhau có thể có những chức năng khác nhau như trị tiêu chảy, đầy bụng, giúp những người không thể tiêu hoá lactose (một loại đường trong sữa).
Bifidobacterium: Bạn có thể tìm thấy nó trong một số sản phẩm sữa. Lợi khuẩn Bifido này có thể làm dịu các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích và một số căn bệnh liên quan đến đường ruột khác.
Tác dụng của lợi khuẩn đối với sức khỏe
Giảm rối loạn tiêu hoá như tiêu chảy do nhiễm khuẩn, tiêu chảy liên quan đến kháng sinh, hội chứng ruột kích thích và viêm đại tràng (được sử dụng nhiều hiện nay).
Giảm cảm cúm, giảm bệnh đường hô hấp: bắt đầu xuất hiện các sản phẩm lợi khuẩn có chức năng này.
Sâu răng và các vấn đề về sức khoẻ răng miệng khác (tương tự như trên, bắt đầu xuất hiện).
Hỗ trợ các chứng rối loạn như viêm da dị ứng (bệnh chàm) và viêm mũi dị ứng (dị ứng phấn/bụi cỏ): đã có kết quả nghiên cứu lâm sàng, còn ít người biết và sử dụng.
Giảm cholesterol trong máu –> đã có kết quả nghiên cứu lâm sàng, còn ít người biết và sử dụng.
Hỗ trợ điều trị bệnh gan và phòng ngừa viêm ruột hoại tử ở trẻ sơ sinh suy dinh dưỡng (đang ở dạng tiềm năng, nghiên cứu).
Thực ra những tác dụng sức khỏe trên đều cần phải dùng đúng cách, đúng người. Và điều quan trọng hơn, không phải lợi khuẩn nào cũng như nhau. Ví dụ, nếu một loại Lactobacillus cụ thể giúp ngăn ngừa bệnh tật, điều đó không nhất thiết là loại Lactobacillus khác sẽ có tác dụng tương tự hoặc bất kỳ loại vi khuẩn Bifidobacterium nào cũng có thể làm những điều tương tự một con Bifido trong nghiên cứu.
Và cuối cùng, một số lợi khuẩn cho thấy nhiều triển vọng trong các nghiên cứu, nhưng việc sử dụng đại trà con lợi khuẩn đó cho tất cả mọi người, không phân biệt tình trạng sức khỏe, thì chưa chắc đã có lợi.
Chuyên gia nhắn gửi
Lợi khuẩn (probiotique) an toàn hay không còn phụ thuộc vào tình trạng sức khoẻ của bạn. Ở người khoẻ mạnh, lợi khuẩn tốt và an toàn. Nếu xảy ra tác dụng phụ thì thường chỉ gồm các triệu chứng tiêu hoá nhẹ như xì hơi. Tuy nhiên ngay cả với những người khoẻ mạnh, sự an toàn của lợi khuẩn cũng không chắc chắn.
Một mặt, vì nhiều nghiên cứu về lợi khuẩn chỉ xem tác dụng tốt của nó mà không xem xét kỹ lưỡng về sự an toàn, tác dụng phụ. Những người có nhiều nguy cơ bị các phản ứng phụ nghiêm trọng bao gồm những người bệnh nặng, những người đã được phẫu thuật, trẻ sơ sinh bị bệnh nặng và những người có hệ miễn dịch kém.
Mặt khác, hầu hết thông tin về sự an toàn đến từ các nghiên cứu về Lactobacillus và Bifidobacterium; ít kết quả trên các loại lợi khuẩn khác.
TS. Lê Đoàn Thanh Lâm