1. Không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống chín; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn.
2. Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.
3. Khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.
4. Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Bạc Liêu đã phát hiện ổ dịch cúm A(H5N1) trên đàn gia cầm tại một số hộ gia đình tại xã Ninh Quới A, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu.
Để chủ động phòng chống lây nhiễm cúm gia cầm sang người, ngày 28/8/2017, Cục Y tế dự phòng đã có Công điện số 1027/CĐ-DP gửi Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bạc Liêu đề nghị quan tâm chỉ đạo triển khai tăng cường tuyên truyền biện pháp phòng lây nhiễm cúm A(H5N1) từ gia cầm sang người tại các khu vực phát hiện gia cầm bị ốm, chết và những khu vực có nguy cơ cao, vận động người dân hạn chế tiếp xúc với gia cầm ốm, chết và chất thải từ gia cầm; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn thông thường; chỉ ăn thịt gia cầm và các sản phẩm gia cầm đã được nấu chín kỹ, không sử dụng gia cầm và các sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.
Cán bộ thú y phun thuốc sát trùng khu vực ổ dịch. Ảnh: Thanh Liêm – TTXVN.
Phối hợp với cơ quan thú y và chính quyền địa phương nơi có ổ dịch cúm A(H5N1) tiến hành các biện pháp tiêu trùng khử độc, xử lý triệt để ổ dịch; tăng cường giám sát và lấy mẫu giám sát vi rút cúm trên gia cầm tại khu vực có nguy cơ cao, đặc biệt tại các điểm thu gom, buôn bán gia cầm và chăn nuôi tập trung để phát hiện và xử lý kịp thời ổ dịch phòng tránh lây nhiễm từ gia cầm sang người.
Tăng cường giám sát, phát hiện sớm, điều tra các trường hợp các trường hợp nghi nhiễm cúm gia cầm ở người, đặc biệt nơi có ổ dịch cúm gia cầm; các bệnh viện sẵn sàng thu dung, tổ chức cách ly, theo dõi sức khỏe các trường hợp phơi nhiễm và nghi ngờ nhiễm bệnh, điều trị bệnh nhân kịp thời theo phác đồ của Bộ Y tế và thông báo kịp thời cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật để điều tra, xử lý ổ dịch; triển khai kịp thời các biện pháp cách ly, điều trị khi có bệnh nhân được phát hiện và các biện pháp phòng chống dịch.
Sẵn sàng thuốc, vật tư, hóa chất, phương tiện hỗ trợ kịp thời cho địa phương triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch.
Thực hiện việc phối hợp trong công tác phòng, chống bệnh lây truyền từ động vật sang người theo quy định của Thông tư liên tịch số 16/2013/TTLT-BYT-BNN&PTNT ngày 27/5/2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và việc khai báo, thông tin, báo cáo bệnh truyền nhiễm theo Thông tư số 54/2015/TT-BYT ngày 28/12/2015 của Bộ Y tế về Cục Y tế dự phòng.
Theo SK ĐS