Theo y học hiện đại, dịch mật giữ vai trò quan trọng trong hệ tràng vị. Thành phần hóa học của nó gồm các axít mật (chủ yếu ở dạng muối), sắc tố mật, các cholesterol, lecithin, mucin; các chất vô cơ như Na, Ca, Fe, Mg, KHCO3, K3PO4, K2SO4…
Muối mật nhũ tương hóa các chất béo, làm phản ứng xà phòng hóa thực hiện dễ dàng. Dưới tác dụng của men lipaza từ dịch tụy, các chất béo được phân giải, các axít béo – sản phẩm tiêu hóa của lipid – được phóng thích và được hấp thu vào cơ thể. Mật còn giúp cho cơ thể hấp thu các vitamin tan trong dầu và có tác dụng kìm khuẩn.Thông thường gan tiết 0,7 – 1 lít mật trong 24 giờ và nhu cầu muối mật vào khoảng 8g/ngày.
Theo quan niệm của Đông y, mật là đảm (đởm), một trong lục phủ. Đởm là phủ trung tính, liên quan mật thiết với can (gan) về chức năng sơ tiết, “khí dư của can tiết vào đởm, tụ lại mà thành tinh (dịch mật)”. Do chứa “tinh” này mà đởm trở thành phủ đặc biệt trong lục phủ.
Theo sách Tố vấn, tất cả 11 tạng phủ đều theo sự quyết đoán của đởm. Đởm có thể duy trì và bảo đảm sự vận hành bình thường của khí huyết, loại trừ những ảnh hưởng không tốt đến tinh thần. Chức năng này kém là nguyên nhân làm cho tinh thần bị thương tổn. Đởm khí suy nhược dần dần dẫn đến bệnh tật cho cơ thể.
Các vị thuốc
Atisô: một vị thuốc rất tốt cho gan và mật, chất chống oxy hóa cynarin và silymarin có trong atisô rất có ích cho gan. Một số thí nghiệm cho thấy chúng còn có tác dụng phục hồi chức năng của gan. Trước đây, atisô thường được sử dụng trong khoảng thời gian dài như là thảo dược thay thế cho thuốc trong việc điều trị một số bệnh về gan.
Atisô rất tốt cho gan và mật
Đối với những bệnh nhân gan, atisô hỗ trợ chức năng tiêu hóa, cải thiện chức năng của túi mật và mang lại nhiều lợi ích thiết thực đối với gan. Hoa atisô có tác dụng bổ dưỡng, kích thích tiêu hóa, lợi gan mật, trợ tim, lợi tiểu, thường dùng nấu canh. Bộ phận dùng làm rau của cây atisô là cụm hoa bao gồm đế mang hoa, các lông tơ và các lá bắc (có phần gốc mềm màu trắng bao chung quanh).
Thành phần dinh dưỡng: trong 100g hoa atisô có chứa: 3 – 3,15g protein, 0,1 – 0,3g lipid, 11 – 15g glucid (chủ yếu là inulase, tốt cho người bị đái tháo đường) và 82g nước.
Chế biến: rửa sạch hoa, chẻ dọc thành 6 – 8 miếng, luộc chín, nấu canh, hầm xương lợn hay bò, hoặc xào với nấm. Chú ý: khi dùng hoa atisô chỉ nên dự trữ trong tủ lạnh tối đa 7 ngày, khi nấu không dùng nồi bằng nhôm hay gang vì các kim loại này làm atisô mất màu, gây đắng khó ăn.
Râu ngô: trong râu ngô có xitosterol, stigmasterol, tinh dầu, saponin, glycosid đắng, các vitamin C, K…, các muối Ca, K. Râu ngô uống vào làm tăng sự bài tiết mật, dịch mật lỏng hơn và tỉ trọng dịch mật giảm, lượng bilirubin trong máu cũng giảm. Dùng râu ngô trong các chứng tiêm túi mật, viêm gan với hiện tượng trở ngại trong bài tiết mật. Có thể hãm hoặc nấu sôi hay chế thành cao lỏng, ngày uống 10 – 20g. Thường dùng 10g râu ngô cắt nhỏ, cho vào 200ml nước đun sôi, để nguội, cứ 3 – 4 giờ uống 1 – 3 thìa canh.
Râu ngô uống vào làm tăng bài tiết mật, dịch mật lỏng hơn
Nhân trần: ở Việt Nam ta thường gọi nhân trần bồ bồ, thành phần hóa học bao gồm các glycosid, saponin, kalinitrat, tinh dầu chứa flavonoid, hợp chất polyphenol và curmarin. Nhân trần có tác dụng tăng tiết mật và tăng sự thải độc của gan. Ngày dùng 4 – 6g có khi tới 20g dưới dạng thuốc sắc, sirô, thuốc cao hay thuốc viên.
Ngoài ra, để chữa trị một số chứng bệnh đường mật, Đông y còn dùng thuốc thanh nhiệt táo thấp, thuốc hành khí giải uất, thuốc sơ can lý khí và thuốc lợi thấp đem lại hiệu quả tốt trong điều trị.
Nghệ: phần rễ phình ra thành củ của cây khương hoàng (Curcuma aromatica Salisb.) hoặc cây nghệ. Thân củ được gọi là khương hoàng, củ con được gọi là uất kim. Tác dụng co bóp túi mật, làm thông mật do chất curcumin kích thích sự bài tiết mật của các tế bào gan, làm lợi mật do chất paratolylmethyl carbinol. Theo Đông y, củ nghệ vị cay hơi ngọt, tính hàn; vào các kinh tâm, phế, can. Có tác dụng hoạt huyết chỉ thống, hành khí giải uất, thanh nhiệt lương huyết, lợi đởm thoái hoàng. Hằng ngày dùng 6 – 12g. Dùng sống hoặc sắc lấy nước.
Một số bài thuốc
Người bệnh cũng có thể dùng củ nghệ để làm mát gan, giải độc, lợi gan mật, tăng sinh tế bào, tăng hiệu quả bài thải các chất độc hại cho gan với bài thuốc như sau:
Bài 1: Kê nội kim 16g, kim tiền thảo 20g, uất kim 12g, hồ đào 20g, hải kim sa 20g. Sắc uống. Trị sỏi mật.
Bài 2: Trừ ứ, giảm đau: uất kim, đan sâm, đương quy, bạch thược, đảng sâm, trạch tả, hoàng tinh, sơn dược, sinh địa, rễ cây chàm mỗi vị 12 – 20g; sơn tra, thần khúc, tần giao, hoàng kỳ mỗi vị 12 – 16g, nhân trần 20 – 60g, cam thảo 8 – 16g. Nghiền chung thành bột mịn để làm hoàn, hoặc hòa nước, hoặc sắc uống. Mỗi lần 8g, uống trước bữa ăn sáng và tối, chiêu bằng nước đun sôi còn ấm. Uống 6 ngày thì nghỉ 1 ngày; mỗi đợt điều trị 6 – 8 tuần, nghỉ 1 tuần, sau đó uống tiếp. Dùng khi bụng ngực đau nhức do huyết ứ khí trệ, nhất là khi do viêm gan cấp và mạn tính, xơ gan thời kỳ đầu, viêm gan trúng độc.
Các thảo dược trên có thể dùng đơn lẻ hoặc dùng phối hợp với các vị thuốc khác theo từng bài thuốc, được dùng trong các trường hợp khác nhau. Bệnh nhân cần được khám và tư vấn để đạt được hiệu quả điều trị, không nên tự ý sử dụng.
BS.CKII. HUỲNH TẤN VŨ