Vắt trữ sữa non có gây sinh non?

Nhiều bà mẹ mẹ hiểu rõ tầm quan trọng của những giọt sữa vàng đầu tiên đối với đứa con thân yêu. Nhưng làm thế nào để tận dụng được những giọt vàng đầu tiên ấy? Liệu vắt sữa non khi mang thai có kích thích sinh non hay không? Bài viết này sẽ giúp các chị em giải tỏa nỗi lo này.

 

vắt sữa non có gây sinh non

Có thể vừa vắt sữa non hoặc cho con nhỏ bú khi đang mang thai mà không sợ kích thích sinh non

 

Có một sự ngộ nhận rằng khi phụ nữ mang thai kích thích đầu vú để vắt sữa vàng đầu tiên sẽ dẫn đến sinh non. Đó là do những suy luận liên quan tới hormone oxytoxin.

Hormone oxytocin được biết đến là hormone sinh ra từ việc kích thích đầu vú (massage, cho con bú, vắt sữa..). Hormone oxytocin cũng là hormone gây co thắt tử cung, giúp mẹ chuyển dạ để sinh bé.

Do đó, nếu chỉ dừng ở kiến thức này, người ta dễ dàng kết luận sai lệch và dẫn đến ngộ nhận rằng chỉ cần có hormone oxytocin thì sẽ có chuyển dạ, và LẦM TƯỞNG rằng các hành động như massage chăm sóc bầu vú mẹ, quan hệ tình dục, cho trẻ lớn bú, vắt sữa trong thai kỳ là các hoạt động “đầy rủi ro” và “không nên”.

Thực ra, tử cung không phải là một cái túi lúc nào cũng chực co thắt để gây sinh non trong suốt 38 tuần thai kỳ. Có hai giai đoạn khác nhau trong quá trình phát triển của tử cung trong thai kỳ: giai đoạn “tĩnh” giữ bé trong bào thai và giai đoạn “động” đưa bé ra ngoài.  Hai giai đoạn này (tạm gọi là “giai đoạn 1” và “giai đoạn 2”) khác hẳn nhau về cách tử cung phản ứng với lượng hormone trong máu.

Trong “giai đoạn 1” (trước 37 tuần), khi bào thai đang lớn dần, tử cung “trơ” đối với hormone oxytocin, có nghĩa là có thể massage bầu vú đầu ti, quan hệ tình dục, cho con lớn hơn bú, vắt sữa mà không ảnh hưởng gì đến sự phát triển của bào thai và cũng không gây co thắt tử cung hay sinh non chỉ vì các hoạt động có liên quan đến lượng hormone oxytocin trong máu.

Trong “giai đoạn 2”, đến kỳ sinh nở (khoảng từ tuần 38), tử cung nhanh chóng thay đổi để chuẩn bị cho quá trình chuyển dạ, và tử cung trở nên “rất nhạy cảm” với hormone oxytocin.

 

vắt sữa non khi mang thai

 

Trong những tuần cuối thai kỳ, hormone oestrogen tăng lên cao nhất, đây là hormone cần thiết để thúc đẩy sự gia tăng các ” the tiếp nhận oxytocin”, và vì thế các thể tiếp nhận này chỉ trở nên dày đặc và đủ để nhạy cảm với hormone oxytocin để chuyển dạ và sinh bé ở cuối thai kỳ (cùng với sự phối hợp của các nội tiết tố khác)”.
Nhờ vậy, từ sau tuần 38, các hoạt động kích thích hormone oxytocin cũng góp phần là các hoạt động giúp chuyển dạ nhanh chóng. Ngoài ra, nhờ số điểm tiếp nhận đạt cao nhất sau khi sinh, mà việc cho con bú hoàn toàn và liên tục từ khi sau khi sinh, giúp tử cung của mẹ mau thu gọn và giảm nguy cơ sa tử cung và các bệnh liên quan đến tử cung, các chứng bệnh mà nhiều phụ nữ không cho con bú phải lo ngại.

Việc tử cung có rất ít điểm tiếp nhận hormone oxytocin trong “giai đoạn 1”, chỉ là một trong những đặc tính bảo vệ cho tử cung tránh sinh non, ngoài ra còn có nhiều yếu tố bảo vệ khác.  Trong phạm vi của bài này, và mối liên hệ với bầu vú mẹ và hormone oxytocin, nên chúng ta chỉ nói đến đặc tính này.

Tuy nhiên đây không phải là cơ chế duy nhất bảo vệ tử cung trong thai kỳ, còn có các cơ chế khác tham gia trong quá trình bảo vệ tử cung trước khi đến kỳ sinh, cũng như các cơ chế khác tham gia kích thích và thúc đẩy giai đoạn chuyển dạ đến sinh đẻ khi đã đến kỳ. Đó là lý do, có những trường hợp sinh non vì những nguyên do hoàn toàn khác, ví dụ như các hormone ức chế như progestrogen, các protein xúc tác…

Theo báo cáo Thẩm định các nghiên cứu liên quan đến vắt trữ sữa vàng đầu tiên trước khi sinh (2010) của BS. Sue Cox – Chuyên Gia Tư vấn Sữa Mẹ Quốc tế thuộc Hiệp Hội Nuôi Con Sữa Mẹ Úc (ABA), kết quả từ những phụ nữ mang thai có kích thích đầu vú khác nhau (từ 30 đến 110 phút) không thấy có tác động rõ rệt trong chỉ số Bishop (dấu hiệu chuyển dạ) hoặc dẫn đến chuyển dạ.  Những em bé sau của những bà mẹ này đều khoẻ mạnh và được sinh ra đủ tuần.

Như vậy, các bà mẹ hãy tự tin trong việc vắt trữ sữa non trước khi sinh.

 

 

 

 

 

ThS Lê Nhất Phương Hồng