Những thầy thuốc hàng chục năm lăn lộn nơi biên cương Tổ quốc

Bác sĩ Lê Quang Phú, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện A Lưới. Ảnh: Hoàng – Chung

Cống hiến tuổi xuân để “cắm bản” cứu người

Đã 35 năm kể từ ngày gắn bó với công việc khám chữa bệnh tại huyện vùng cao A Lưới, bác sĩ Chuyên khoa II Lê Quang Phú, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện A Lưới vẫn nhớ như in ngày đầu mới đặt chân lên vùng đất này. Năm 1982, chàng trai trẻ Lê Quang Phú khi ấy mới 21 tuổi vừa tốt nghiệp Trường Trung cấp Y tế Bình Trị Thiên với biết bao hoài bão và dự định. Thế rồi, khi nghe huyện miền núi A Lưới đang cần một bác sĩ ngoại trú, anh quyết định gác lại tất cả để tình nguyện lên đường, trở thành một trong những bác sĩ đầu tiên của vùng đất biên giới này.

Ngày đó, đường sá đi lại hết sức khó khăn. Từ TP Huế lên huyện vùng cao A Lưới nếu đi nhanh cũng phải mất một ngày đường. Huyện A Lưới thời điểm đó tuy đã có bệnh viện nhưng cơ sở vật chất kỹ thuật lại thiếu trước hụt sau. Đội ngũ y bác sĩ chỉ có một vài người bên quân y gắn bó với địa phương sau ngày kết thúc chiến tranh. Với phần đông là đồng bào dân tộc thiểu số, chuyện tin dùng những bài “thuốc dấu” hay nhờ thầy mo cúng bái để diệt trừ “con ma” mỗi khi bị bệnh là việc phổ biến. Sự xuất hiện của chàng thanh niên khoác trên mình chiếc áo blouse trắng khiến người dân ở đây không khỏi tò mò, xen lẫn e ngại. Đặt chân được đến A Lưới, chứng kiến sự khó khăn, thiếu thốn của người dân nơi đây, bác sĩ trẻ Lê Quang Phú như càng hiểu thêm được trách nhiệm của mình.

“Ngày đó người dân A Lưới vẫn chưa quen với việc đến Trung tâm Y tế chữa bệnh mà đa phần là điều trị tại nhà. Sốt rét, tai nạn bom mìn chữa trị không khỏi, người dân chỉ biết cúng bái, thậm chí sinh con cũng tự sinh ở nhà dẫn đến các trường hợp đáng tiếc. Sau này, khi chúng tôi tích cực tuyên truyền, nhiều người được chữa khỏi bệnh thì người dân mới dần dần tin rồi giảm bớt làm các hủ tục để tìm đến trung tâm”, bác sĩ Lê Quang Phú nhớ lại.

Dù ngày đó bác sĩ ngoại trú công tác 3 năm ở vùng núi, hết thời gian sẽ được luân chuyển về xuôi nhưng bác sĩ Phú đã quyết định ở lại gắn bó với công việc chữa bệnh cứu người ở mảnh đất A Lưới. Suốt nhiều năm gắn bó với nghề, kỷ niệm buồn vui với bác sĩ Phú có rất nhiều. Nhưng kỷ niệm đáng nhớ nhất là ca đỡ đẻ trong trận lụt lịch sử năm 1999. Năm đó, Huế gánh trận lụt nặng nề nhất trong lịch sử. Nước lũ kèm theo đất đá đổ xuống các cánh đồng khiến con đường duy nhất nối A Lưới với TP Huế bị lũ đánh sập, huyện vùng cao A Lưới gần như bị cô lập hoàn toàn với bên ngoài. Trong khi nước lũ lên nhanh, ngoài trời mưa gió mịt mù thì một sản phụ người Tà Ôi được người nhà đưa đến để sinh. “Sản phụ được đưa đến bệnh viện trong tình trạng song thai nằm ngang nếu không được cứu kịp thời có thể nguy hiểm đến cả mẹ và con. Kỹ thuật viên gây mê lúc này lại đang ở TP Huế, vì mưa lũ không thể lên được. Tình thế vô cùng cấp bách, ông đã quyết định cho tiền gây mê và gây tê tại chỗ để mổ. Ca mổ diễn ra trong điều kiện khá khó khăn, thiếu thốn nhưng đã thành công tốt đẹp, cứu sống được mẹ con sản phụ người Tà Ôi trong niềm vui mừng khôn xiết của người nhà và đội ngũ y bác sĩ”, bác sĩ Phú vui vẻ cho biết.

“Hạnh phúc là được người dân luôn tin tưởng”

Thiếu tá, BS Đặng Hồng Minh khám bệnh cho người dân tại Trạm xá xã Nhâm, huyện A Lưới.

Từ ngày bác sĩ Lê Quang Phú đặt chân đến A Lưới đã có rất nhiều thế hệ y, bác sĩ kế tiếp nhau tìm đến và gắn bó với vùng đất nơi biên cương Tổ quốc để tiếp tục sứ mệnh chữa bệnh cứu người. Trong số này phải kể đến Thiếu tá, BS Đặng Hồng Minh hiện công tác tại Trạm Dân quân y thuộc Đồn Nhâm.

Đã 5 năm kể từ khi Trạm dân quân y thuộc Đồn Nhâm nằm ngay biên giới Việt – Lào được thành lập, hình ảnh Thiếu tá, BS Đặng Hồng Minh đã quá đỗi thân quen với bà con sinh sống trên địa bàn xã Nhâm (huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế). Năm 2012, Thiếu tá Minh lúc đó là bác sĩ quân y tại Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên Phòng tỉnh Thừa Thiên Huế tạm biệt vợ con tình nguyện lên huyện vùng núi A Lưới để giúp bà con khám, chữa bệnh. Vốn là người lính đã quen với vất vả, gian nan nên không mấy khó khăn để anh làm quen với cuộc sống mới. Mỗi tuần 3 buổi, bác sĩ Minh lại kết hợp với Trạm Y tế xã Nhâm khám chữa bệnh, cấp phát thuốc cho bà con đồng bào được hưởng bảo hiểm, hộ nghèo. Những ngày còn lại (trừ ngày Chủ nhật) thì cấp phát thuốc miễn phí cho người dân tại trụ sở của Trạm Quân dân y xã Nhâm.

Người dân xã Nhâm cho biết, không kể ngày đêm, ngày nghỉ, khi nào họ đến trạm xá thì bác sĩ Minh luôn nhiệt tình thăm khám và cấp phát thuốc. “Mế bị cao huyết áp nên mỗi lần trái gió trở trời, đường xá cách trở không đến trạm được là mế nhờ người nhắn giúp đến bác sĩ Minh. Những lúc như vậy dù bận gì thì trong ngày bác sĩ Minh cũng gắng tìm đến tận nhà khám bệnh cho mế ngay”, cụ Quỳnh Đơ (82 tuổi, trú tại bản A Hưa, xã Nhâm) chia sẻ với chúng tôi.

Tin yêu và quý mến, đó cũng là những tình cảm mà người dân xã Hồng Thượng (huyện A Lưới) dành cho BS Hồ Thị Linh Khang, một nữ bác sĩ luôn tâm huyết với nghề và hết mình vì bà con dân bản. Năm 2014, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Đa Khoa – Đại học Y Dược Huế, biết xã biên giới Hồng Thượng vẫn còn nhiều thiếu thốn nên chị tình nguyện lên đây làm bác sĩ nội trú.

Người dân xã Hồng Thượng có lẽ đã quen với hình ảnh BS Hồ Thị Linh Khang nhiều lần một mình vượt đường sá xa xôi, tức tốc đi giúp người mỗi lần có tin báo cần giúp đỡ. Mới đây vào tháng 10/2016, trong một đêm mưa gió, đang cho con ngủ ở nhà, chị nhận được tin báo có một ca sinh khó đã được đưa về trạm xá. Chị Khang để lại con nhỏ 2 tuổi cho ông bà ngoại rồi lấy xe máy xuống trạm xá. Đoạn tường từ nhà chị đến trạm xá chỉ 4km nhưng vì trời mưa quá lớn kèm theo gió nên đường đi rất khó. Tuy thế nhưng vừa đến trạm xá chị bắt tay vào việc ca đẻ từ 2h đến 4h sáng, sản phụ sinh được bé trai kháu khỉnh nặng 3,2kg.

Người dân huyện A Lưới nay dần bỏ được hủ tục chữa bệnh bằng bùa phép, đã thôi không còn tin vào “con ma rừng” để tìm đến trung tâm y tế mỗi khi đau ốm. Có được thành công như vậy cũng nhờ vào sự tâm huyết với nghề, hết mình vì bà con dân bản của những người như bác sĩ Phú, bác sĩ Khang hay Thượng tá Minh… Trong gian nan, vất vả những bóng áo blouse trắng tươi đẹp, vẫn tỏa sáng nơi vùng biên cương của Tổ quốc.

Vốn là một người con dân tộc Tà Ôi, hơn ai hết BS Khang luôn thấu hiểu được nỗi vất vả của người dân sống cùng mình nơi biên cương Tổ quốc. Cũng giống như nhiều y, bác sĩ khác tình nguyện lên vùng cao A Lưới để “bám bản”, chính những khó khăn vất vả là động lực thôi thúc chị luôn tâm huyết với nghề. “Khó khăn thì nhiều nhưng mình vui vì giúp được đồng bào ở đây, giúp người dân chăm sóc sức khỏe. Hạnh phúc nhất chính là được người dân luôn quý mến, tin tưởng đến mình”, BS Khang chia sẻ.

Lê Chung – Đức Hoàng (giadinh.net.vn)