Xây dựng tủ thuốc gia đình

Tủ thuốc nên có gì?

Dưới đây là gợi ý của chúng tôi về những thứ bạn nên có trong tủ thuốc nhà mình

– Nước muối sinh lý 0,9%: là một thứ không thể thiếu trong tủ thuốc bởi sự hữu dụng của nó. Nó sẽ giúp bạn vệ sinh mắt mũi khi đi ngoài đường về hoặc khi bị bụi bẩn bay vào. Ngoài ra, bạn sẽ cần nước muối sinh lý để rửa qua vết thương.

-Thuốc giảm đau hạ sốt:

+ Paracetamol 500mg: cho người lớn

+ Paracetamol 80mg, 150 mg hoặc 250mg: cho trẻ em. Hàm lượng thuốc sử dụng sẽ phụ thuộc vào cân nặng và độ tuổi của đứa trẻ. Liều thông thường cho trẻ: 10 – 15mg/kg cân nặng.

Ví dụ: em bé nặng 10 kg thì bạn nên chuẩn bị Paracetamol hàm lượng 150mg.

Bạn có thể chuẩn bị dạng gói hoặc viên đặt hậu môn cho trẻ.

                                             Paracetamol cho trẻ em có nhiều hàm lượng khác nhau ( nguồn: internet)

+ Ngoài ra, bạn có thể chuẩn bị các thuốc khác như Aspirin hoặc Ibuprofen. Tuy nhiên bạn cần có ý kiến chuyên môn của bác sỹ khi dùng các thuốc này.

-Thuốc bù dịch điện giải: Oresol loại 1 gói pha với 200 ml nước sẽ tiện sử dụng hơn.

-Thuốc chống dị ứng: Clopheniramin 4mg hoặc Loratadin 10mg.

-Thuốc trị bỏng: bạn có thể lựa chọn Panthenol dạng kem bôi hoặc xịt

-Cặp nhiệt độ : Cần thiết để quyết định xem người bệnh có cần dùng thuốc hạ sốt hay không. Bạn không nên dựa vào kinh nghiệm hay cảm tính để phán đoán nhiệt độ người bệnh.

Nên chọn nhiệt kế thủy ngân vì đơn giản,giá thành rẻ, dễ sử dụng và cho kết quả chính xác. Nếu có điều kiện bạn cũng có thể chuẩn bị nhiệt kế điện tử (lưu ý nhiệt kế điện tử cần hiệu chỉnh 6 tháng/lần)

-Thuốc sát khuẩn ngoài da:

+ Cồn 70 độ

+ Betadin

-Dầu gió: dùng trong những trường hợp cảm lạnh, đau bụng do lạnh.

-Cao dán Salonpas, Salonship: điều trị tạm thời những trường hợp co cơ, đau nhức các cơ.

-Bông, gạc y tế, Urgo, băng dính y tế, băng chun: Để lau rửa và băng bó vết thương trong những thương tích nhẹ, hoặc sơ cấp cứutrước khi chuyển đến cơ sở y tế.

-Găng tay y tế

-Máy đo huyết áp: là vật dụng nên có nếu nhà bạn có người già hoặc người mắc bệnh tim mạch, đái tháo đường…

                                                                           Tủ thuốc gia đình (nguồn: internet)

Những lưu ý nhỏ:

-Hãy chắc chắn bạn biết cách sử dụng những thứ trên, đặc biệt là thuốc.

-Hãy hướng dẫn các thành viên trong gia đình cách sử dụng chúng, vì có thể bạn là người cần sử dụng chúng.

-Đặt tủ thuốc ở những nơi dễ nhìn thấy, dễ phát hiện và xa tầm tay trẻ nhỏ.

-Nên có 1 ngăn riêng đựng các thuốc cho trẻ em.

-Cần giữ và bảo quản thuốc trong đúng bao bì của chúng để tránh tình trạng dùng nhầm thuốc.

-Kiểm tra tủ thuốc 2 lần/ năm và nên:

+Thay thế những thuốc đã hết hạn dùng

+Bỏ đi những thuốc đã chuyển màu, thuốc nước đã bị vẩn đục hay kết tủa.

-Tủ thuốc này có thể áp dụng cho những chuyến đi du lịch của gia đình bạn.

Cuối cùng bạn nên nhớ hãy đến cơ sở y tế ngay khi không thấy bệnh thuyên giảm.

BS.Mai Ánh Điệp( thaythuocvietnam.vn)